Loading...

Blog

Xu hướng làm việc kết hợp (Hybrid Working) và những loại hình ứng dụng phổ biến
  • 19/05/2023
  • Chia sẻ kiến thức

Xu hướng làm việc kết hợp (Hybrid Working) và những loại hình ứng dụng phổ biến

Mô hình làm việc kết hợp (Hybrid Working) đang trở thành xu hướng làm việc được nhiều doanh nghiệp ứng dụng kể từ đại dịch Covid 19. Với mô hình này, nhân viên thường linh hoạt hơn trong việc quyết định sẽ thực hiện công việc ở đâu, khi nào và giúp họ cân bằng cuộc sống tốt hơn.

 

Hybrid Working là gì? 

 

Mô hình làm việc kết hợp (Hybrid Working) là phương pháp làm việc linh hoạt, cho phép nhân viên kết hợp giữa làm việc từ xa và làm việc tại văn phòng. Những tổ chức sử dụng mô hình làm việc kết hợp thường mang lại sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn. 

 

Sự phát triển của mô hình Hybrid Working?

 

Đại dịch toàn cầu Covid-19 là một trong những tác động lớn nhất thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của mô hình Hybrid Working. Chính sách phong tỏa và giãn cách để hạn chế lây lan dịch bệnh đã bắt buộc nhiều doanh nghiệp phải thay đổi cách thức làm việc. 

 

Thế nhưng chỉ vậy là chưa đủ, công nghệ mới là điểm đột phá và thiết yếu của sự thay đổi này. Máy tính, mạng internet và các nền tảng hỗ trợ làm việc từ xa đã giúp chúng ta chứng kiến và nhận ra được sự thay đổi sâu sắc trong cấu trúc kinh tế, xã hội hay chính cuộc sống chúng ta. 

 

Cho đến nay mô hình làm việc kết hợp vẫn được nhiều doanh nghiệp duy trì và đưa vào chính sách công ty vì việc ứng dụng mô hình này không chỉ có hiệu quả trong thời điểm Covid 19 hoành hành.


Mô hình làm việc kết hợp mang lại những lợi ích gì?

 

Những lợi ích thực tế khi ứng dụng mô hình làm việc kết hợp có thể kể đến như cân bằng giữa công việc và cuộc sống (Work-Life Balance), sử dụng thời gian hiệu quả hơn, tự do trong việc lựa chọn thời gian và địa điểm làm việc, giảm thiểu tình trạng kiệt sức và tăng năng suất.

 

Lợi ích của mô hình làm việc kết hợp 

 

Cụ thể hơn, việc ứng dụng mô hình làm việc kết hợp sẽ: 


  • Mang lại sự linh hoạt cho nhân viên để có thể chọn những cách làm việc linh hoạt nhất. 

  • Cải thiện phúc lợi cá nhân và năng suất tại nơi làm việc nhờ sự sắp xếp chủ động của nhân viên.

  • Giúp nhân viên giảm thời gian và chi phí di chuyển, cũng như giảm áp lực công việc thông qua không gian làm việc thoải mái, linh động. 

     

Ngoài ra đối với doanh nghiệp, việc ứng dụng mô hình làm việc kết hợp sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm không gian văn phòng cũng như các chi phí tiện ích và các chi phí văn phòng khác. 


Các loại hình làm việc kết hợp phổ biến

 

Chúng ta sẽ điểm qua 4 loại hình làm việc kết hợp phổ biến sau nhé: 


Mô hình kết hợp linh hoạt (Flexible Hybrid Work)  

Với mô hình này, nhân viên có thể linh hoạt lựa chọn thời gian và vị trí làm việc dựa trên những ưu tiên của họ trong ngày. Mô hình này thường được áp dụng cho bộ phận kinh doanh giúp nhân viên có thể linh hoạt sắp xếp thời gian làm việc, thời gian gặp khách hàng ở những vị trí tối ưu nhất. 


Mô hình kết hợp cố định (Fix Hybrid Work)

Mô hình này được áp dụng khá phổ biến trong thời kỳ giãn cách, thông thường doanh nghiệp sẽ chia nhóm nhân viên và lựa chọn những khoảng thời gian cố định mà từng nhóm sẽ lên công ty hoặc làm việc từ xa. Mô hình này sẽ thích hợp hơn với những công việc mang tính đội nhóm, điều này sẽ không gây ra gián đoạn những cuộc trao đổi nhóm hay khó khăn trong việc sắp xếp thời gian cho một đội nhóm. 


Mô hình kết hợp văn phòng (Office-first Hybrid Work) 

Hình thức này bắt buộc nhân viên phải làm việc tại văn phòng nhưng có thể lựa chọn một vài ngày trong tuần để làm việc từ xa. Ưu điểm của mô hình này là việc tổ chức vẫn xây dựng và giữ được nét văn hóa làm việc riêng nhưng họ cũng muốn nhân viên của mình có được sự tự do nhiều hơn, cũng như giảm áp lực hiện diện tại văn phòng. 


Mô hình kết hợp từ xa (Remote-first Hybrid Work)

Những doanh nghiệp ứng dụng mô hình này không chỉ cho phép mà còn khuyến khích nhân viên làm việc từ xa. Một hoặc một vài không gian văn phòng truyền thống vẫn được các công ty này duy trì để nhân viên có thể đến làm việc khi cần thiết. Bên cạnh đó, những quy định, chính sách, phúc lợi cũng được doanh nghiệp xây dựng dựa trên những ưu tiên và thúc đẩy mô hình làm việc từ xa hơn so với mô hình làm việc truyền thống 


Làm sao để triển khai mô hình Hybrid Working một cách hiệu quả?


Cần có chiến lược triển khai cụ thể

Mỗi khi quyết định triển khai mô hình mới, doanh nghiệp cần phải xây dựng được một chiến lược chi tiết về phương thức và kế hoạch thực hiện. Trong trường hợp triển khai mô hình Hybrid Working, trước hết tổ chức cần xác định những vị trí nào có thể làm việc từ xa, đặc điểm của từng vị trí như thế nào và ứng dụng mô hình nào thì tối ưu, từ đó doanh nghiệp có thể định hình chiến lược cũng như lên kế hoạch triển khai dễ dàng và hiệu quả hơn.  


Một bản thỏa thuận rõ ràng

Một bản thỏa thuận cụ thể, rõ ràng về những lý do, mục đích, quyền lợi khi thực hiện mô hình làm việc kết hợp sẽ giúp mọi người chủ động thực hiện và đảm bảo trách nhiệm làm việc một cách tốt nhất. 

 

Thỏa thuận khi ứng dụng mô hình làm việc kết hợp

 

Ứng dụng công nghệ hỗ trợ

Tương tự như mô hình làm việc từ xa, quá trình quản lý vận hành một tổ chức đa dạng thời gian và địa điểm làm việc sẽ gặp nhiều khó khăn thách thức. Hầu hết những tổ chức thực hiện mô hình làm việc kết hợp sẽ có chiến lược sử dụng công cụ để quản lý công việc một cách chặt chẽ. 

 

Một số nền tảng công nghệ đã được Workit đề cập ở bài viết trước bao gồm: 


  • Các nền tảng cơ bản như: Email, tin nhắn tức thời, công cụ họp trực tuyến, nền tảng tài liệu,... 

  • Các công cụ hỗ trợ nâng cao: Công cụ quản lý công việc, dự án; Công cụ hỗ trợ chuyên môn (kinh doanh, kế toán, nhân sự, sản xuất,...)

     

>> Chi tiết: Những công cụ giúp công tác làm việc từ xa trở nên hiệu quả hơn 


Liên tục cải tiến 

Không chỉ khi ứng dụng mô hình mới mà tất cả các hoạt động đều cần cải tiến liên tục để có thể ngày một hoàn thiện và tốt hơn. Đặc biệt là trong giai đoạn đầu khi áp dụng mô hình mới sẽ không tránh khỏi những sai sót hay những rào cản xuất hiện. Trong quá trình ứng dụng mô hình làm việc kết hợp, doanh nghiệp cần tối ưu quy trình, chuẩn hóa nghiệp vụ, cải thiện cách thức quản lý vận hành và chính sách doanh nghiệp tùy theo mục đích ban đầu cũng như quá trình đánh giá hiệu quả. 


Kết luận 

 

Xu hướng ứng dụng mô hình làm việc từ xa và mô hình làm việc kết hợp đã và đang bùng nổ mạnh mẽ trong những năm gần đây. Đặc biệt sau khi đại dịch kết thúc, những doanh nghiệp ứng dụng một trong hai mô hình này đã trở thành một trong những tiêu chí ưu tiên của người lao động vì chúng đáp ứng được tính linh hoạt và giúp họ cân bằng cuộc sống tốt hơn. 

 

Các công ty nắm bắt xu hướng làm việc kết hợp sẽ giúp doanh nghiệp tăng năng suất và sự hài lòng của nhân viên. Bằng cách đầu tư nhiều nguồn lực hơn vào những nền tảng công nghệ tiên tiến, không gian làm việc linh hoạt cũng như sức khỏe, tinh thần của nhân viên, doanh nghiệp sẽ có thể xây dựng thành công mô hình vận hành linh hoạt, thích ứng nhanh.  


>> Khám phá thêm bộ giải pháp Workspace của Workit - giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng mô hình làm việc từ xa!