- 22/11/2024
- Tin Workit
Hãy làm đi, xin đừng 'đao to búa lớn'
Nhiều chủ doanh nghiệp không hiểu kinh tế số là gì, họ chỉ cần quan tâm làm sao để tăng doanh số bán hàng.
Sau khi thực hiện chương trình về chuyển đổi số với các DN thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba), phản hồi mà Founder & CEO Công ty Cổ phần WorkIt - ông Quách Ngọc Long nhận được là nhiều chủ DN không hiểu.
Họ nghe rất nhiều về xã hội số, kinh tế số, chính quyền số hoặc các thông tin liên quan đến công nghệ như big data hay AI nhưng chủ DN ko dung nạp được câu chuyện này. Bởi, đây không phải là khó khăn mà các DN đang gặp phải, quan tâm của họ là làm sao để tăng doanh số bán hàng, làm sao quản lý được sản xuất, dữ liệu khách hàng.
Nhiều DN nhận thức tầm quan trọng của chuyển đổi số nhưng không biết làm thế nào và bắt đầu từ đâu, hoặc muốn làm nhưng không đủ ngân sách.
Kinh tế số đóng góp 8,27 tỷ USD vào kinh tế TP.HCM năm 2021 (ảnh: Trần Chung) |
Đối với các DN lớn, DN đã thực sự bài bản thì ngân sách cho chuyển đổi số chiếm từ 2-4% trên tổng chi phí của DN. Nhưng đối với các DN vừa và nhỏ, giải pháp được ông Long đưa ra là không “đao to búa lớn”, không đề cập chuyển đổi số là gì mà đưa thẳng công cụ cho DN ứng dụng để nâng cao năng lực cạnh tranh về bán hàng, quản trị, số hóa quy trình vận hành.
Trước hết, DN vừa và nhỏ cần làm tốt bán hàng, quản trị dòng tiền rồi hẵng tính đến những việc khác. Cần xây lộ trình rõ để làm quen từng bước với chuyển đổi số.
Phó Chủ tịch TP.HCM - ông Võ Văn Hoan cũng cho rằng, DN đã tham gia nền kinh tế số nhiều năm nhưng chưa thực sự đồng bộ, thống nhất. Có người chưa biết bắt đầu và kết thúc ở đâu.
Các DN chưa tận dụng để đạt hiệu quả quản trị tốt nhất bởi kinh tế số không có không gian giới hạn. Một DN đơn lẻ không thể làm được kinh tế số mà cần bắt tay với các DN khác, lan tỏa chuyển đổi số tới đối tượng mà DN phục vụ.
TP.HCM đã hình thành đơn vị tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi số cho DN và người dân. Cơ quan quản lý nhà nước gặp gỡ nhà đầu tư để nghe hiến kế cho định hướng phát triển. Song song đó, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng hỗ trợ công nghệ, tư vấn giúp DN địa phương chuyển đổi số.
Đáng chú ý, Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) và TP.HCM đã thành lập tổ công tác chung, có thực hiện nghiên cứu về chuyển đổi số. WB có thể đóng vai trò kêu gọi nhà đầu tư vào hỗ trợ, đầu tư, phát triển cho TP.
Dựa trên số liệu các năm 2019, 2020, 2021, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) - ông Phạm Bình An - nhận định, đóng góp của kinh tế số vào GRDP của TP.HCM năm 2021 là 14,4%, tương đương gần 192 nghìn tỷ đồng (khoảng 8,27 tỷ USD).
Dẫu vậy, đây mới chỉ là nghiên cứu vùng tác động lõi liên quan đến công nghệ thông tin và truyền thông trong khí kinh tế số gồm: phạm vi lõi, phạm vi hẹp, phạm vi mở rộng.
Theo ông An, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 25% GRDP và đến năm 2030 sẽ chiếm 40%. Đây là con số hoàn toàn khả thi bởi kinh tế số có tốc độ tăng trưởng nhanh với mức tăng trưởng khoảng 2 con số.
Tại buổi họp báo sáng 28/3, Phó Chủ tịch Huba - Ông Nguyễn Phước Hưng thông tin, Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2022 (HEF 2022) sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 14-16/4 với gần 900 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự. Sau 2 lần tổ chức, HEF 2022 có chủ đề: “Kinh tế số: Động lực và phát triển TP.HCM trong tương lai”.
Sự kiện có sự góp mặt của đại diện cấp cao Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF); Ngân hàng thế giới (World Bank); Tổ chức Hợp tác và phát triển Kinh tế (OECD)… Ngoài ra, đại diện các tập đoàn lớn như Samsung (Hàn Quốc), Huawei (Trung Quốc), các tập đoàn từ Nhật Bản, Phần Lan, Đức.. cũng tham dự. Tập đoàn trong nước có lãnh đạo Vingroup, Viettel, FPT, Vinamilk…